NỖI ĐAU NGHỀ ORDER HÀNG NƯỚC NGOÀI
Trào lưu order hàng hóa hiện nay đang ngày một lan rộng, không ít những nhà kinh doanh nhỏ đã thành công đem thương hiệu của mình vươn xa hơn nữa. Nhưng như thế không có nghĩa là bất kì ai kinh doanh dạng này đều đạt được thành công như ý muốn cả. Sau đây tôi xin chia sẻ một số rủi ro nghề order hàng hóa hay gặp phải.
Khách hàng nghĩ hàng hiệu bao giờ cũng là hàng cao cấp
Đây là nỗi đau phổ biến nhất hay gặp phải khi order hàng hóa. Những bạn kinh doanh order hàng hóa từ các nước châu Âu như Mĩ, Anh, Pháp, Đức hay các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản... đều biết rằng các sản phẩm được nhập về từ các nước này đa số đều là hàng có thương hiệu mà ai cũng biết tên, được gọi là hàng hiệu. Nhưng khách hàng lại luôn cho rằng đã là hàng hiệu thì phải là hàng đẹp, hàng chuẩn đến từng centimet mà trên thực tế những yêu cầu về hàng hiệu như vậy thì chỉ có các hãng thời trang danh tiếng trên thế giới như LV, Chanel, Givenchy... mới có được. Nhưng sản phẩm mà họ nhận được khi mua về lại là những sản phẩm đến từ thương hiệu bình dân như ZARA, Mango, H&M. Cùng mang cái mác hàng hiệu nhưng thực tế là chỉ có những hàng hiệu thuộc loại bình dân và trung cấp mới được phần đông người mua hàng nhắm đến chứ không phải là những hàng hiệu thuộc dòng cao cấp kia. Đương nhiên giá cả và chất lượng của hai dòng này khác nhau một trời một vực. Chính vì lẽ đó mà đã có rất nhiều tình huống dở khóc dở cười khiến cho các chủ shop “méo mặt”.

Một chủ shop từng chia sẻ rằng “Khách mua đồng hồ hàng triệu đồng, nhưng trong quá trình vận chuyển có chút xây xước ở mặt đồng hồ. Khách biết được tình trạng như vậy liền dứt khoát đòi hủy đơn hàng rồi còn nói là hàng hiệu xịn sò làm sao mà có vết xước mặc dù trên thực tế là đồng hồ không có thiết kế chống xước.” Gặp những trường hợp thế này, chủ shop chỉ biết ngán ngẩm lắc đầu, có giải thích bao nhiêu lần đi chăng nữa thì khách vẫn không tin. Đành vác cục nợ tự mình giải quyết.
Chọn đồ xong khách lại chê lên chê xuống
Đa số các bạn chủ shop hiện nay đều sử dụng những hình ảnh sản phẩm hot hit để đăng lên làm quảng cáo. Khách cứ chọn đồ thoải mái rồi đặt hàng mẫu sản phẩm mà mình ưng ý. Nhưng đời không như là mơ, thật trớ trêu thay khi hàng đã về đến tay khách hàng thì khách lại chê lên chê xuống, chê nọ chê kia, kêu ca ầm ỹ vì hàng không ưng. Đây cũng là một nỗi đau khi hành nghề mua hộ hàng mà bất cứ ai cũng gặp phải. Một bạn chủ shop nói rằng “ Khi nhận hàng, khách chê ngược chê xuôi vì hàng không ưng ý mà trong khi đó mặt hàng đấy lại là chính tay khách hàng lựa chọn.” Thậm chí còn có khách hàng không thèm nghe giải thích mà đòi tiền lại luôn.
Hàng hiệu giảm giá
Nhắc đến chuyện giảm giá lại khiến cho nỗi đau khi hành nghề mua hộ hàng lại càng thêm sâu sắc. Ở bất cứ đâu cũng vậy, phần lớn hàng giảm giá đều là những mặt hàng đã lỗi thời, hết mốt, hàng tồn kho. Các chủ shop lại hay gom hàng giá rẻ này vì có thể giảm bớt được nhiều phí, khách hàng cũng ưa thích vì giá rẻ. Nhưng khách hàng lại không hiểu được một chân lý rõ ràng rằng “của rẻ là của ôi”, giá cả luôn đi đôi với chất lượng. Chính vì thế có nhiều trường hợp khách hàng nhận đồ được ít thời gian, đồ bị hỏng lại quay ra mắng mỏ chủ shop làm ăn thất đức, treo đầu dê bán thịt chó.
Nỗi khổ khi bán hàng cho người quen
Có câu nói mà dân kinh doanh hay dùng chính là “thà bán cho người lạ còn hơn bán cho người quen”. Đặt bản thân mình vào vị trí của họ thì ta mới hiểu hết được câu nói đó. Bạn bán hàng cho người lạ luôn là môtip thuận mua vừa bán, nhưng bán cho người quen, đại đa số mọi người đều cả nể nhau mà không chốt được giá. Nếu bán giá thấp thì mình thiệt, còn bán giá cao thì lại bị chê này chê kia.
Bán đắt không ai mua, bán rẻ không ai thèm
Cạnh tranh trong kinh doanh luôn là vấn đề nhức nhối đối với các nhà kinh doanh order. Chỉ cần một chút sơ sảy thôi là khách hàng có thể về tay đối thủ. Đặc biệt đối với kinh doanh order, quan trọng nhất là giá cả. Thế nhưng không có nghĩa là bạn bán rẻ thì khách hàng cứ mua ào ào. Khách hàng khi mua hàng luôn có tâm lý chính là hàng rẻ chắc chắn là hàng chả ra gì, còn hàng đắt quá thì là bán thách, bán giá cắt cổ. Đây cũng là vấn đề khiến các chủ shop đau đầu trong việc định giá sản phẩm.
Order hàng bị lừa đảo
Chắc hẳn các bạn cũng biết trang mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc taobao.com. Dù rằng đó là trang mua sắm trực tuyến với lượt tương tác người dùng lớn nhưng chúng ta cũng không thể tránh khỏi những cạm bẫy ở trên đó. Đã rất nhiều chủ shop dính vố đau khi order taobao bị lừa đảo. Đa số các bạn kinh doanh bị lừa đều là lần đầu mua hàng nên chưa có kinh nghiệm, vì vậy khi mua hộ hàng cho khách đều bị lừa, dẫn đến không có hàng về để trả khách. Trong những trường hợp như vậy thì chủ shop phải là người đứng ra đền bù cho khách. Dĩ nhiên chuyện đền bù quá nhiều sẽ dẫn đến lỗ vốn và cuối cùng là phải đóng cửa shop. Trong trường hợp này cách order nước ngoài không bị lừa tốt nhất dành cho các bạn đó chính là nên đi học để có thêm kiến thức, sự giao tiếp và hiểu biết về hành nghề order này.
Kinh doanh bán hàng cũng như là làm dâu trăm họ, được lòng người này thì mât lòng người kia. Khách hàng luôn là thượng đế. Dẫu biết rằng đây là nghề nghiệp cực khổ, nhưng rất nhiều người vẫn bám trụ lấy nghề. Họ nói rằng “có yêu nghề thì mới có thể vượt qua được hết những gian lao vất vả mà nghề đem lại.”